Tháng 8 miền Bắc tiếp tục mưa to

Mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm vào nửa đầu tháng 9, trong đó tháng 8 là cao điểm với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm khoảng 30%.
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trao đổi với VnExpress về tình hình mưa lũ ở miền Bắc. 
- Tháng 7 xảy ra mưa lớn diện rộng gây sạt lở đất, ngập lụt nhiều nơi. Ông đánh giá thế nào về đợt mưa này?
- Tháng 7 Bắc Bộ có 20-25 ngày mưa, trong đó nửa cuối tháng liên tục có mưa trên diện rộng với nhiều điểm mưa to trên 100 mm/ngày như đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 
Tại Hòa Bình, lượng mưa cao hơn 300-400% so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, từ 17/7 đến 31/7, trên lưu vực sông Bùi chảy từ Lương Sơn (Hòa Bình) về Chương Mỹ (Hà Nội) đã có hai đợt mưa lớn, mỗi đợt ba ngày với lượng mưa 300-400 mm mỗi đợt.
Mực nước thượng lưu sông Bùi tại trạm Lâm Sơn (Hòa Bình) và tại Yên Duyệt (xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội) đã vượt báo động 3 và kéo dài nhiều ngày, gây ngập sâu.
TS Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia. Ảnh: NCHMF.
TS Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: NCHMF.
- Ngoài nguyên nhân mưa lớn, ngập úng diện rộng ở Chương Mỹ (Hà Nội) còn phụ thuộc vào yếu tố gì?
- Hai đợt mưa lớn trên lưu vực sông Bùi là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng, đặc biệt là tại xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến của huyện Chương Mỹ.
Bắt nguồn từ xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), sông Bùi chảy qua Hà Nội và cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm (huyện Chương Mỹ). Sự tiêu thoát nước trên sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước ở cửa sông Đáy, nhưng mực nước hạ lưu sông Đáy dâng cao (trên báo động 3) dẫn tới điều kiện tiêu thoát nước chậm.
Ngoài ra, hệ thống bơm tiêu úng vùng trũng hạ lưu sông Bùi đã hoạt động tối đa, nhưng không hiệu quả khi mực nước sông ở mức cao.
- Vì sao miền Bắc liên tục chịu những đợt mưa lớn như vừa qua?
- Trong tháng 7 đã xuất hiện bão Sơn Tinh và 4 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trong đó bão Sơn Tinh đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra, hai áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào giữa và cuối tháng 7 trên vịnh Bắc Bộ cũng ảnh hưởng gián tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Sự xuất hiện của các áp thấp nhiệt đới và bão trong tháng 7 ở bắc biển Đông và vịnh Bắc Bộ đã khiến cho dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Bộ liên tục duy trì, gây mưa lớn kéo dài ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Mùa mưa trùng với mùa hè do mưa lớn cần có đối lưu mạnh, ẩm nhiều nên chỉ có mùa hè là thuận lợi. Nhưng cũng trong mùa hè thì nhiệt độ lại cao nhất. Về chuyên môn, mưa lớn liên quan đến dải hội tụ nhiệt đới và áp cao cận nhiệt đới (nắng nóng), gió mùa cùng với hiệu ứng phơn (gây mưa lớn sườn đón gió, nắng nóng sườn khuất gió).
Một số xã của huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn đang ngập nặng. Ảnh: Giang Huy.
Một số xã của huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn đang ngập nặng. Ảnh: Giang Huy.
- Dự báo mưa miền Bắc những ngày tới như thế nào?
- Trong những ngày tới, Bắc Bộ vẫn mưa diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to và tập trung ở vùng núi, trung du. Mưa chủ yếu vào chiều tối, đêm và sáng, trong ngày vẫn có những khoảng tạnh ráo, nhất là thời kỳ từ ngày 6-8/8, sau đó mưa giảm dần.
Mưa không chỉ xảy ra ở Bắc Bộ mà cả Trung Bộ, nền nhiệt giảm, nắng nóng kết thúc từ khoảng ngày 5-6/8. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ mưa cũng có xu hướng tăng lên về cả diện và lượng trong những ngày sắp tới.
- Mùa mưa năm nay kéo dài đến bao giờ?
Thông thường mùa mưa ở Bắc Bộ kéo dài đến hết tháng 10, nhưng năm nay khả năng mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn do ảnh hưởng của El Nino xuất hiện vào cuối năm nay. 
Theo dự báo mùa mới nhất của Trung tâm, lượng mưa tháng 8 của Bắc Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 15-30%. Tháng 9 đến tháng 11 ở mức thấp hơn 15-30%. Các đợt mưa lớn nhiều khả năng còn xảy ra trong 8. Cần tiếp tục chú ý đề phòng mưa lớn trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9.
Thiên tai gây thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng
Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay (31/7), thiên tai đã làm 112 người chết và mất tích, 81 người bị thương; gần 930 nhà bị đổ, sập, hơn 27.800 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và gần 20.000 nhà bị ngập nước;
Trên 182.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; hơn 13.400 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 21.600 con gia súc và 227.000 con gia cầm bị chết; hơn 8.300 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại;
1,8 km đê từ cấp III trở lên, 32,2 km đê dưới cấp IV và bờ bao bị sạt trượt; hơn 9,7 km kè, 199,9 km kênh mương và bờ sông, bờ biển bị sạt trượt...
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 6.000 tỷ đồng.
Võ Hải

Có thể bạn quan tâm?

Thời cuộc 24h 2031057629368350872

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item