Điều ít ai ngờ về chương trình "60 phút mở"

Chương trình “60 phút mở” của VTV đang gây xôn xao cộng đồng mạng gần đây có format gốc là chương trình 60 Minutes của đài CBS. Đây là một trong những chương trình thành công nhất mọi thời đại của truyền hình Mỹ.

Các khách mời trong chương trình và MC Tạ Bích Loan vui vẻ trong chương trình “60 phút mở” (Ảnh: Facebook)
Cuộc tranh luận giữa MC Phan Anh cùng các nhà báo, khách mời trong chương trình “60 phút mở” phát sóng trên VTV vừa qua hiện đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội, với không ít người khen kẻ chê.
Thật ra, chương trình này đã ra mắt trên VTV từ Chủ nhật ngày 10/5. Đây là chương trình được coi là “nơi các vấn đề của người dân được quan tâm, nơi tiếng nói của người dân được lắng nghe, nơi băn khoăn của người dân được chia sẻ và tìm hướng giải quyết”. Chương trình đã đề cập tới nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay như các vụ án oan sai và gần đây là về cá chết hàng loạt ở miền Trung. 
Tuy nhiên, không nhiều người biết format gốc của “60 phút mở” là 60 Minutes của đài CBS, Mỹ. 
Ra mắt vào ngày 24/9/1968, 60 Minutes hiện là chương trình có tuổi thọ cao bậc nhất tại Mỹ. Năm 2002, chương trình được TV Guide xếp thứ 6 trong danh sách 60 show truyền hình hay nhất mọi thời đại. Tờ New York Times đánh giá đây  “một trong những kênh tin tức được yêu thích nhất tại Mỹ”. Dựa theo ratings, đây là chương trình thành công nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.
60 Minutes của Mỹ giành được nhiều giải thưởng với những điều tra gây sốc như sự lạm dụng của chính phủ và các nhà thầu quân sự, phát hiện CIA tham gia vào buôn lậu ma túy, điều tra về việc lính thủy Mỹ sát hại dân thường Iraq…
Chương trình còn tổ chức tranh luận với nhiều chính khách nổi tiếng như Tổng thống Mỹ J. Kennedy, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad… Cuộc phỏng vấn ông Obama phát sóng ngày 16/11/2008 có số lượng người xem kỷ lục: 25,1 triệu khán giả.
Rất thành công nhưng 60 Minutes cũng vướng phải không ít vụ tranh tụng. Năm 1989, chương trình đưa lên báo cáo về việc sử dụng alar vào trồng táo gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Những người trồng táo đã kiện chương trình nhưng không thành. Chất alar sau đó cũng chính thức bị cấm sử dụng trong trồng cây lương thực ở Mỹ.
Chương trình năm 1991 về doanh nhân Werner Erhard cũng bị “khổ chủ” kiện vì “sai sự thật, gây hiểu lầm và làm mất danh dự”. Một tháng sau khi khởi kiện, Erhard nộp đơn thôi việc bởi được tư vấn pháp lý nói rằng để thắng kiện CBS, Erhard phải chứng mình rằng CBS không những báo cáo sai mà còn làm vậy với mưu đồ xấu.
Trên đây mới chỉ là 2 trong nhiều vụ kiện 60 Minutes. Tuy nhiên, những tranh cãi này chỉ là số ít khi so với những thành công mà chương trình đạt được. Hiện rất nhiều nước đã mua bản quyền làm chương trình như Úc, Đức, Mexico, Peru, Brazil, New Zealand, Thái Lan, Việt Nam…
Lý do khiến chương trình tạo được sức hút lớn như vậy sau suốt gần nửa thế kỷ, không chỉ bởi 60 Minutes luôn đề cập tới những vấn đề nóng hổi, mà còn bởi các khách mời trong chương trình luôn có những tranh luận rất “mở”, theo tư duy biện chứng – vốn là điều rất thiếu trong không khí tranh luận ở Việt Nam.
Ngang Chuyên

Có thể bạn quan tâm?

Hóng chuyện 6589231210518263467

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item