Kinh hoàng phát hiện hàng tấn khô cá tra tẩm thuốc sâu để… chống ruồi


Vì hám lợi, một số hộ dân đã vớt cá tra chết lên làm khô, rồi tẩm ướp thuốc trừ sâu vào và đem bán. Dù từng bị phát hiện, nhưng họ vẫn cố tình tái phạm.
Nếu người tiêu dùng ăn phải những con cá khô cực độc này thì không chỉ mang bệnh mà thậm chí có thể tử vong...
Cá tra chết được các hộ dân ở ấp An Thái bắt lên làm khô, tẩm ướp chất độc hại rồi đưa đến người tiêu dùng
Sản xuất cá khô độc, còn chống lệnh phạt
Ngày 24/5, ông Ngô Đình Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, nơi đây vừa phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy hơn 1 tấn khô cá tra (khô thường, không phải khô cá tra phồng) do chứa hóa chất độc hại.
Khi kiểm tra đột xuất 3 hộ gia đình ông Lê Văn Hữu, Nguyễn Hồng Thái và Nguyễn Văn Sanh (đều ở ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, An Giang), đoàn thanh tra đã lấy các mẫu khô để kiểm nghiệm. Kết quả, các mẫu khô này đều có nhiễm chất Trichlorfon, là hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, chuyên diệt trừ các loại côn trùng và sâu rầy.
Khô cá tra phơi nắng ở ấp An Thái khi lấy mẫu kiểm nghiệm là dính chất độc Trichlorfon
Ngay sau khi có kết quả, đoàn công tác đã mời các chủ cơ sở trên đến làm việc và trao các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với 2 hành vi: Sử dụng hóa chất ngoài danh mục trong chế biến thực phẩm và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số tiền phạt là 72 triệu đồng. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã tịch thu và cho tiêu hủy toàn bộ số cá nhiễm độc.
Khô cá tra là loại đặc sản nổi tiếng của miền Tây. Nhưng theo báo cáo của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh An Giang, cũng tại ấp An Thái, ngày 23/12/2011, đoàn kiểm tra liên ngành đã từng kiểm tra tại 4 cơ sở chế biến cá khô.
Khi kiểm tra, các cơ sở này đã không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường… dù các cơ sở này đã sản xuất kinh doanh từ nhiều năm trước.
Nhiều cơ sở chế biến khô cá tra ở ấp An Thái khi kiểm tra thấy nhếch nhác, bẩn thỉu thế này
Đoàn đã nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở làm các loại giấy tờ trên. Đoàn còn lấy 1 mẫu khô cá tra tại cơ sở của bà Lê Thị Nem và 1 mẫu khô cá chim tại cơ sở của ông Võ Thanh Vũ để kiểm tra. Kết quả, cả 2 mẫu khô này đều dính Trichlorfon.
Đoàn đã mời chủ 2 chủ cơ sở này đến để làm rõ nguyên nhân, thì họ thừa nhận có sử dụng Trichlorfon để… chống ruồi. Họ đã ký biên bản vi phạm và nhận 2 quyết định xử phạt nhưng cuối cùng không thi hành. Như vậy, việc tẩm “thuốc độc” vào khô đã có từ lâu, chứ không phải mới đây!
Bị bắt nhiều lần vẫn tái phạm
Ông Sỹ cho biết, nhóm sản xuất khô tại ấp An Thái có tổng cộng 8 hộ. Đã rất nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra và bắt giữ các sản phẩm khô chứa chất độc hại có nguồn gốc từ đây.
Ông Sỹ còn cho biết, mỗi lần kiểm tra các hộ sản xuất khô cá tra, cá chim… ở ấp An Thái đều ghi nhận nhiều cơ sở tại đây sản xuất trong điều kiện nhếch nhác và dơ kinh khủng. Nguồn cá tra làm khô chủ yếu là cá chết, thậm chí cá sình được vớt dưới ao lên chế biến khô. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tập huấn, hướng dẫn đầy đủ các kiến thức về an toàn thực phẩm, nhưng các hộ làm khô tại ấp An Thái bất chấp, liên tục sử dụng hóa chất cấm !
Chỉ ở ấp An Thái, từ năm 2012 đến nay đã có trên 4 tấn khô cá chứa chất độc bị bắt và tiêu hủy
Trichlorfon là một loại hóa chất hữu cơ dùng làm thuốc trừ sâu và diệt các côn trùng như gián, dế, rệp, bọ chét, ruồi... Chất này còn được áp dụng để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước được chỉ định.
Nhưng từ năm 2005, thuốc trừ sâu chứa hoạt chất Trichlorfon đã được liệt kê vào danh mục những hóa chất kháng sinh bị cấm sử dụng. Nếu hóa chất này tiếp xúc da con người trong vài phút hay kéo dài vài giờ, thuốc sẽ thấm vào da, đi vào máu, tác động đến chức năng thần kinh. Người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chảy nước mắt, hôn mê…
Hóa chất này còn gây độc mãn tính cho người sử dụng. Khi tiếp xúc nhiều với chất này, người ta sẽ dễ bị mất trí nhớ, trầm cảm, mất ngủ, gặp ác mộng… Các biểu hiện khác là đau đầu, chán ăn, mệt mỏi… Một số nghiên cứu khác còn cho thấy Trichlorfon có khả năng gây đột biến gen, quái thai và biến dạng xương!
Chính quyền lơ đễnh
Dù tính độc hại trong hàng tấn khô cá tra, cá chim ở ấp An Thái hiển hiện, nhưng chính quyền địa phương lại thiếu trách nhiệm trong quản lý. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh An Giang, ngày 7/6/2013, Sở NN&PTNT đã có buổi làm việc với thường trực UBND huyện Chợ Mới.
Đại diện Sở cho rằng tất cả các hộ sản xuất khô cá ở ấp An Thái đều xả thải nước qua chế biến trực tiếp ra sông Hậu. Trong khi Trạm cấp nước sinh hoạt của xã cung cấp cho 1.755 hộ lại ở sát các cơ sở này. Vì vậy, Sở đề nghị chính quyền địa phương và các ngành của huyện rà soát địa điểm của các cơ sở sản xuất khô cá xem còn phù hợp với quy hoạch, quy định hay không. Nếu không, kiên quyết không cho các cơ sở này tiếp tục sản xuất, dời địa điểm khác.
Đồng thời đề nghị UBND huyện, xã và các ngành liên quan vận động 2 hộ Lê Thị Nem và Võ Thanh Vũ thi hành các quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các kiến nghị này sau đó vẫn không được thực hiện.
Theo TT&ĐS/Tuổi trẻ thủ đô

Có thể bạn quan tâm?

Tin nóng 7240826803234462321

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item